Vườn Cây Việt
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Hướng dẫn trồng và chăm sóc cây Vạn Lộc

12/18/2018 3:37:00 PM  

Cây Vạn Lộc là cây trồng phổ biến trong việc trưng bày nhà cửa, văn phòng, bàn làm việc… và thường dùng làm quà tặng như lời chúc tốt đẹp cho người nhận. Cái tên Vạn Lộc cũng đủ nói lên ý nghĩa mà người ta muốn nhắn nhủ hoặc kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp cho mình và người thân.

Trong bài này, Vườn Cây Việt sẽ giới thiệu đến bạn chi tiết cách trồng và chăm sóc cây Vạn Lộc, nếu lúc nào đó bạn trồng loại cây này thì có thể ứng dụng theo.

Cách trồng cây Vạn Lộc

Đối với cây Vạn Lộc trồng chậu đất thì cần chú ý đầu tiên tới khâu chọn đất, đất phải giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoáng khí. Có thể sử dụng hỗn hợp đất mặt, than bùn, mùn, trấu, cát và trộn theo tỷ lệ 1:1:1:1 đều tay.

cay-van-loc-trong-chau-dat-vcv.jpg

Cây Vạn Lộc trồng chậu đất

Việc chọn chậu cũng phải cân nhắc, không nên chọn chậu quá lớn vì sẽ mất đi tính thẩm mỹ, chọn chậu quá nhỏ cây lại thiếu điều kiện sinh trưởng, rễ bị ức chế, khó mà xanh tốt.

Mẹo ở đây là chọn chậu vừa phải, có đường kính chậu từ 80-90% độ rộng của tán cây, như vậy sẽ thẩm mỹ hơn rất nhiều, độ cao của chậu thì ít nhất phải gấp 2 lần khoảng cách từ rễ đến gốc cây, có như vậy cây sẽ thoải mái mà phát triển.

Ngoài ra, nếu bạn quan tâm và tin tưởng vào các yếu tố phong thuỷ, ngũ hành thì cũng nên dựa theo đó để chọn màu sắc, kiểu dáng chậu phù hợp với mệnh, tuổi của mình. Vườn Cây Việt đã cung cấp hướng dẫn trong bài viết Tại đây.

Việc vào chậu cũng không khó mấy, thông thường có 2 cách thực hiện:

  • Phủ một lớp đất khoảng 1/4 độ cao chậu, đặt gọn gàng toàn bộ thân cây sao cho trọng tâm nằm ở giữa chậu, sau đó từ từ bỏ đất vào xung quanh các khoảng trống, để đất lấp đầy xung quanh cho cây cố định vị trí, sau đó nén lớp đất này sâu xuống cho chắc rồi tiếp tục bỏ đất vào những chỗ trồng và lặp lại thao tác này cho đến khi thấy đất đã cố kết lại.
  • Đổ đầy đất vào chậu, nén lại vừa phải, sau đó khoét một lỗ ngay giữa chậu sao cho vừa phần rễ cây, sau đó từ từ cho đất vào những chỗ còn trống rồi lấp lại.

Sau khi đã vào chậu thì lấy nước tưới xung quanh cho thấm xuống, lúc này đất sẽ được cố kết lại, chắc chắn hơn. Có thể thêm sỏi trắng bên trên để tăng tính thẩm mỹ hoặc để trống cho tự nhiên.

Với cây Vạn Lộc trồng nước (thuỷ sinh, thuỷ canh), sau khi lấy toàn bộ thân cây ra khỏi đất, lấy nước rửa sạch đất bám quanh rễ, có thể ngâm toàn bộ phần thân vào xô / thau nước lớn rồi nhẹ nhàng dùng tay gột đi lớp đất bám vào rễ, hoặc muốn làm nhanh hơn thì dùng vòi xịt nhưng chú ý không xịt quá mạnh vì có thể làm đứt rễ.

cay-van-loc-trong-nuoc-thuy-sinh-thuy-canh-vcv.jpg

 

cay-van-loc-trong-nuoc-thuy-sinh-vuoncayviet.jpg

Cây Vạn Lộc trồng nước (thuỷ sinh, thuỷ canh)

Sau khi làm sạch đất, có thể tranh thủ làm sạch phần thân và lá cây, tỉa đi các lá hư, úng, rửa sạch lá rồi để 10-15p cho ráo nước trước khi đưa vào chậu thuỷ tinh. Nguyên tắc chọn chậu thuỷ tinh cũng giống như chọn chậu đất, tuy nhiên lúc này bạn có thể đối diện với 2 lựa chọn là:

  • Dùng sỏi trắng cố định rễ cây: đây là cách hay trong trường hợp miệng chậu thuỷ tinh quá lớn, lớn hơn so với thân cây nên nếu đặt thân cây vào mà không cố định lại, cây tự nhiên sẽ bị nghiêng bên này bên kia trông rất thiếu thẩm mỹ. Mặt khác, việc đặt sỏi trắng cố định rễ cây cũng giúp tăng tính thẩm mỹ hơn rất nhiều, tuy nhiên nhược điểm của việc này là sỏi trắng nếu ngâm nước trong một thời gian dài sẽ có hiện tượng đóng rêu hoặc úa vàng, nếu muốn cải thiện thì định kỳ nên lấy sỏi ra chà rửa để khô hoặc thay sỏi mới.
  • Không dùng sỏi: trường hợp miệng chậu không quá rộng hoặc vừa với thân cây, thì khi đặt vào do vừa khít nên cây sẽ không nghiêng bên này bên kia như trường hợp trên, tán cây cũng bổ đều ra các hướng, không dùng sỏi cố định cũng có cái hay là ta có thể ngắm vẻ đẹp của toàn bộ phần rễ, đồng thời việc vệ sinh, chăm sóc định kỳ cũng trở nên đơn giản nhanh chóng hơn rất nhiều.

Ngoài cách trồng cây vạn lộc thủy sinh ra, còn một hình thức trồng khác là trồng cây Vạn Lộc bán thuỷ sinh, có thể nói là kết hợp giữa trồng thuỷ sinh và trồng đất. Hình thức này không quá mới mẻ, nhưng cũng thu hút các anh chị em yêu cây quan tâm.

cay-van-loc-ban-thuy-sinh-vcv.jpg

Cây Vạn Lộc trồng bán thuỷ sinh

Cây sẽ được trồng trên một khay đất nhỏ, khay này có các đường rãnh xung quanh và 2-4 lỗ dưới đáy khay. Khay được đặt vừa khít lên miệng chậu thuỷ tinh, dưới đáy chậu chứa nước, mức nước cao bằng 2/3 khoảng cách từ đáy chậu thuỷ tinh đến đáy khay đất.

Để truyền nước lên khay đất cho cây hấp thụ, ta sử dụng một đoạn dây vải ngắn, dây này sẽ dẫn xuất nước lên khay đất dần dần, đến khi nào nước rút hết thì tiến hành châm thêm nước hoặc rửa lại chậu thuỷ tinh rồi vào đợt nước mới.

Cách chăm sóc, gìn giữ cây Vạn Lộc được tươi tốt

Để cây Vạn Lộc, dù trồng ở hình thức nào, được sống khoẻ mạnh tươi tốt, bạn cần chú ý đến các điều kiện sinh trưởng đặc thù của cây như sau:

  • Ánh sáng: nên đặt cây trong môi trường điều kiện ánh sáng không quá gắt gao, việc ánh sáng có cường độ mạnh rọi trực tiếp vào cây trong thời gian dài có thể gây hiện tượng héo rũ, thậm chí cháy lá, liên tục như vậy dễ dẫn đến chết cây. Mỗi ngày, cây cần 2-3 tiếng dưới nắng để sắc lá được tươi tốt, có thể đặt cạnh cửa sổ có nắng chiếu vào.
  • Nhiệt độ: chú ý đặt cây sống trong điều kiện nhiệt độ không quá cao, đặt trong phòng không có sự lưu thông không khí, thiếu ánh sáng, lại nóng bức thì cây sẽ thiếu điều kiện để phát triển. Nếu đặt trong phòng máy lạnh thường xuyên thì định kỳ hàng tuần nên mang ra ngoài cho cây sưởi ấm, làm hồng sắc lá.
  • Nước: Vạn Lộc tương đối háo nước, nên tưới đều mỗi ngày cho cây để đảm bảo đủ nước, nhưng không nhất thiết phải tưới quá nhiều, phải đảm bảo đất nhanh ráo nước hoặc thoát nước tốt, trường hợp nước không thể thoát mà lại tưới liên tục sẽ dẫn tới điều kiện nước-đất xấu, cây không chịu được, rễ úng thối. Lúc này phải nhanh chóng thay đất mới cho cây.
  • Nếu trồng thuỷ sinh thì định kỳ mỗi tuần thay nước một lần, bỏ bớt rễ úng thối, làm sạch cây, lá trước khi cho lại vào chậu, nếu dùng nước máy thì đem ra phơi nắng trước khi đổ vào chậu.
  • Đất: đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây hấp thụ, nếu thấy cây phát triển không tốt trong khi điều kiện nước, ánh sáng, nhiệt độ đều đảm bảo thì phải xem lại đất, hoặc bón thêm phân vào đất hoặc thay đất mới đủ dinh dưỡng hơn.
  • Phân bón: sử dụng phân bón hoặc dung dịch thuỷ sinh được bán theo cây. Phân bón nên bón định kỳ 4-6 tháng/ lần, còn dung dịch thuỷ sinh có thể dùng mỗi khi thay nước, tuy nhiên không nên dùng quá nhiều, có thể làm úng, hư lá.
  • Bệnh: cây thường vị vi khuẩn hoặc nấm gây hại tấn công làm cho thân cây dần chuyển sang màu đen và bị thối rửa. Cần chủ động theo dõi để phát hiện bệnh kịp thời và có cách xử lý.

Như vậy, Vườn Cây Việt đã cung cấp cho bạn những chỉ dẫn tương đối chi tiết về cách trồng và chăm sóc cây Vạn Lộc. Loài cây này rất dễ chăm sóc đúng không nào? Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không chọn ngay cho mình 1 cây Vạn Lộc xinh đẹp. Dưới đây là một số mẫu cây Vạn Lộc được yêu thích tại Vườn Cây Việt. Hoặc bạn cũng có thể đến showroom 24 Lê Lâm, Phú Thạnh, Tân Phú, TP.HCM để có nhiều mẫu lựa chọn hơn nữa nhé!

bst-van-loc.png

Video giới thiệu về cây Vạn Lộc

 

Tin tức nổi bật